Hiện nay trên thị trường có ba loại ti vi độ nét cao (HDTV) chính: HDTV cơ bản, HDTV 3D và TV thông minh (Smart TV). Trong đó, Smart TV là dòng ti vi cao cấp nhất với hình ảnh sắc nét và kết nối Internet để duyệt web, xem tin tức, truy cập mạng xã hội, tải ứng dụng…
TV LED TOSHIBA 39L4300 – 39 inch là Smart TV chạy Android 4.2
Khái niệm Smart TV được Samsung nhắc đến lần đầu tiên như là một thế hệ ti vi có khả năng kết nối Internet. Sau Samsung, các hãng sản xuất khác như LG và Philips cũng cho ra mắt nhiều mẫu ti vi thông minh. Sony cũng có những sản phẩm với các tính năng tương tự nhưng lại dùng cái tên Internet TV để mô tả các thiết bị ti vi thông minh của mình. Về cơ bản, Smart TV là một chiếc ti vi thông thường để xem truyền hình nhưng được tích hợp thêm các chức năng giống như một chiếc máy tính cá nhân, như lướt web, sử dụng dịch vụ trực tuyến, chơi game, vào các trang mạng xã hội, duyệt e-mail, cài đặt và sử dụng các ứng dụng… Để thực hiện những điều này, Smart TV được cài đặt sẵn trình duyệt và một số ứng dụng phổ biến như YouTube, Facebook, Skype, BBC iPlayer…
Vì chiếc ti vi thông minh được tích hợp để trở thành “trung tâm giải trí của gia đình” theo ý đồ của những nhà sản xuất, nên việc chọn lựa nó cũng cần dựa trên một số tiêu chí, ít nhất là năm điều cơ bản dưới đây.
1. Tốc độ truyền dữ liệu
Tùy thuộc vào từng địa điểm và nhà cung cấp dịch vụ mạng mà tốc độ truyền tải dữ liệu của Smart TV sẽ nhanh hay chậm. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể cho tốc độ truyền dữ liệu 8 Mb/giây, trong khi đó các nhà cung cấp mạng băng thông rộng như BT, Orange và TalkTalk có thể cho tốc độ tối đa lên đến 20-24 Mb/giây.
Trang Which.Co.Uk đã làm một cuộc thử nghiệm xem video dài 5 phút trên YouTube, một đoạn video của chương trình Strictly Come Dancing trên iPlayer và một bộ phim trên LoveFilm. Kết quả là với tốc độ dưới 3 Mb/giây thì người sử dụng có thể xem video với chất lượng hình ảnh tốt mà không bị ngắt. Dịch vụ thuê bao phim LoveFilm đòi hỏi tốc độ tối thiểu là 2 Mb/giây nhưng việc thử nghiệm này lại cho thấy Smart TV có thể hoạt động tốt ở tốc độ 1,75 Mb/giây.
2. Giới hạn dung lượng tải
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ đưa ra giới hạn dung lượng tải lên hoặc tải xuống cho Smart TV từ 2-150 GB/tháng và yêu cầu người sử dụng trả thêm tiền nếu vượt quá mức dung lượng giới hạn với khoản tiền 1-2 bảng Anh/GB vượt mức (tương đương 1,57-3,14 đô la Mỹ). Trong khi đó, các hãng cung cấp mạng băng thông rộng lại có những gói cước tiết kiệm hơn cho người sử dụng, tuy nhiên nếu bạn thường xuyên sử dụng các ứng dụng như BBC iPlayer và YouTube thì tốt nhất nên sử dụng gói cước không giới hạn dung lượng.
Tại Việt Nam, các gói cước Internet TV như OneTV (FPT), NetTV (Viettel), TVOnline (SCVTV), MyTV (VNPT),… đều tính phí dịch vụ với từng chương trình phim, ca nhạc, hài, bóng đá… theo yêu cầu. Với các gói dịch vụ có giá 30.000-180.000 đồng/tháng, chương trình theo yêu cầu có mức phí khá hợp lý, khoảng 500-5.000 đồng/lần phát.
3. Các kết nối
Cổng DLNA xuất hiện trên hầu hết các mẫu ti vi thông minh hiện nay, cho phép người sử dụng truy cập và phát các nội dung có sẵn trên máy tính hoặc điện thoại ra ti vi mà không cần cáp nối. Ngoài kết nối Ethernet truyền thống nằm ở mặt lưng của ti vi, hầu hết các mẫu Smart TV trung cấp và cao cấp hiện nay còn có cả kết nối không dây với cách thức kết nối Internet tương tự như trên máy tính và điện thoại thông minh.
Tuy vậy, kết nối Internet trên Smart TV vẫn ưu tiên dùng dây dẫn với chuẩn Ethernet để bảo đảm sự hoạt động ổn định nhất. Theo đó, nhiều mẫu ti vi được giới thiệu là có tính năng Wi-Fi nhưng chỉ một số mẫu cao cấp mới được tích hợp sẵn bộ thu sóng Wi-Fi nằm bên trong ti vi, còn nhiều mẫu khác thì đòi hỏi người sử dụng phải mua thêm phụ kiện bên ngoài gắn qua cổng USB mới có thể kết nối Internet qua Wi-Fi. Thông thường mức giá của phụ kiện này vào khoảng 95-130 đô la Mỹ.
4. Kho ứng dụng
Hiện nay, Samsung là hãng có kho ứng dụng lớn nhất với hơn 1.400 ứng dụng về đủ các thể loại như lướt web, mạng xã hội, nghe nhạc, học tập, nấu ăn, đọc sách… Ngoài sự tương tác thông minh bằng giọng nói và cử chỉ, dòng ti vi thông minh của Samsung còn cho phép người sử dụng “tua” lại một đoạn phim hoặc chương trình ngay khi đang xem và sau đó có thể tiếp tục trở lại nội dung hiện tại mà nhà đài đang phát. Tuy nhiên, tính năng Personal Video Recorder này chỉ hoạt động khi người sử dụng đang xem truyền hình trực tiếp qua kết nối Internet.
Tại Việt Nam, Samsung cho biết hiện hãng đã có 40 ứng dụng thuần Việt tích hợp trên các thế hệ Smart TV và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 100 ứng dụng dành cho người Việt. Ngoài Samsung, LG và Panasonic đều đang xây dựng ứng dụng trực tuyến dành riêng cho Smart TV của mình. Điều đáng lưu tâm ở đây là các ứng dụng dành cho ti vi thông minh hiện nay chưa có một chuẩn thống nhất nên phần mềm dành cho ti vi của hãng này sẽ không sử dụng được cho hãng kia. Người sử dụng chỉ có thể tải ứng dụng trực tiếp từ ti vi chứ không thể chép từ các nguồn khác hay từ thẻ nhớ hoặc USB giống như ở máy tính hay điện thoại di động.
5. Điều khiển từ xa
Tuy có nhiều điểm cải tiến nhưng việc điều khiển kết nối của Smart TV vẫn phải sử dụng remote (điều khiển từ xa) truyền thống. Các remote này tuy được cải tiến về phím bấm để có thể gõ ký tự đơn giản nhưng không thuận tiện bằng một bàn phím. Người sử dụng cũng có thể mua thêm các remote đa chức năng để tiện việc điều khiển ti vi, tuy nhiên giá của những thiết bị này không hề rẻ, có thể bằng giá của một chiếc ti vi loại CRT (ti vi bóng đèn hình) thông thường.
Các loại điều khiển từ xa có tích hợp bàn phím QWERTY, điều khiển sử dụng công nghệ cảm biến chuyển động hỗ trợ chuột ảo (Magic Motion Remote) hay điều khiển bằng giọng nói chỉ mới được Samsung và LG áp dụng cho các dòng Smart TV mới. Ngoài ra, người sử dụng còn có thể dùng điện thoại thông minh chạy nền Android hay iOS để điều khiển Smart TV bằng cách cài các ứng dụng hỗ trợ việc điều khiển, gõ văn bản…
Ngoài năm điều đã nói, bạn có thể tham khảo thêm về những ưu điểm cũng như những mặt hạn chế của dòng ti vi thông minh của các hãng thông qua bài đánh giá, bài thử nghiệm đánh giá các dòng ti vi thông minh được đăng tải trên các trang web công nghệ có uy tín. Ví dụ, Smart TV của LG có kho ứng dụng nhiều và cho phép người sử dụng xem trước ứng dụng trước khi cài đặt nhưng máy lại có nhiều tính năng khá rắc rối và phức tạp. Trong khi đó, dòng Smart TV của Panasonic lại có quá trình cài đặt đơn giản và bàn phím gắn ngoài qua cổng cắm USB giúp người sử dụng dễ dàng thao tác hơn nhưng giao diện của các ứng dụng lại làm rối mắt.
Có lẽ là người đi đầu trong Smart TV nên Samsung vượt trội các hãng khác với kho ứng dụng phong phú, tính năng xem trước các ứng dụng trước khi cài đặt và hầu hết các chức năng trên ti vi đều dễ sử dụng. Với Sony, Internet TV của hãng này ghi điểm nhờ bàn phím ảo trên máy (On-Screen Keyboard) hoạt động nhạy và các ứng dụng ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, các ứng dụng này lại không nhiều và giao diện lại không đẹp mắt.
Trong thời đại số, việc sở hữu một chiếc Smart TV là phù hợp với nhu cầu của mọi gia đình. Thế nhưng cái gì cũng có giá của nó, Smart TV có giá bán cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của thị trường ti vi hiện nay. Với cùng một khoản tiền mua Smart TV, người sử dụng có thể mua đồng thời một chiếc máy tính xách tay cấu hình mạnh và một chiếc ti vi LCD thông thường cùng kích thước.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật của Smart TV cũng là điều đáng lưu ý vì ti vi thường được sử dụng cho cả gia đình và nó cũng không được trang bị các phần mềm bảo vệ như tường lửa hay chương trình diệt virus. Bên cạnh đó, duyệt web trên Smart TV cũng gây khó khăn đối với người sử dụng vốn quen nhấp chuột và nhập dữ liệu trên máy vi tính.
Ở Việt Nam, một số tính năng của Smart TV còn phụ thuộc vào dịch vụ của các nhà mạng. Ví dụ, chức năng truy cập các dịch vụ có nội dung theo yêu cầu (Video-On-Demand): kênh phim, nhạc, bóng đá, thể thao trực tuyến như Hulu, Netflix, iPlayer… chỉ được sử dụng tại Nhật và Hàn Quốc (tính trên thị trường châu Á).